Nghề làm Dầu đậu phộng của người Quảng

Bạn có biết rằng Dầu đậu phộng – Một thứ nguyên liệu sóng sánh, ánh vàng, hương vị ngọt ngọt và có mùi thơm béo ngậy mà bạn hay sử dụng thật ra là một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của những người dân ở vùng đất Quảng Nam. Với những người dân nơi đây, dầu đậu phộng được xem như là tinh hoa của miền quê, vừa thơm ngon vừa không có chất bảo quản nên có thể để cả năm mà không đổi màu, như hình ảnh đại diện cho những người con Quảng Nam kiên cường bất khuất vậy. 

Nguồn gốc của dầu đậu phộng

Dầu đậu phộng là tinh dầu chiết xuất được sau một quá trình gồm rất nhiều giai đoạn ép lột vỏ thủ công từ một loại cây thuộc hạt lạc (hay còn được người dân Quảng Nam gọi là đậu phụng). Cách gọi này có nhiều nghiên cứu cho rằng được người Trung Quốc phiên âm từ chữ Arachis sang chữ Hán là Lạc hoa sinh và mang vào Việt Nam vào những năm thế kỷ 16. Từ đó cây đậu phộng đã trở thành một loại cây trồng khá quen thuộc với những người nông dân Quảng Nam. Bởi lẽ vì nó ít sâu bệnh, chi phí sản xuất lại không nhiều nhưng năng suất khá cao, mang lại lợi ích kinh tế gấp 2.5 lần so với việc trồng lúa. Hiện nay Quảng Nam vẫn đang là khu vực có diện tích canh tác cây đậu phộng lớn nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với hơn 10.000 ha với nhiều loại đậu khác nhau, nhưng đặc biệt nhất vẫn là hạt đậu phộng sẻ, nguyên liệu làm nên thương hiệu của những mẻ dầu phộng thơm ngon nơi đây. Do thích nghi với thổ nhưỡng vùng duyên hải miền Trung như xứ Quảng, đất pha nhiều cát, nên cây đậu phộng sẻ cho hạt nhỏ, chắc, nhiều dầu, cho chất lượng tinh dầu cao nhiều dinh dưỡng.

Hằng năm, cứ đến độ khoảng tháng 4, thời điểm vụ lúa đông xuân đã được thu hoạch thì cũng là mùa ép dầu đậu phộng ở Quảng Nam. Vào những ngày đó, khi đã nhổ đậu xong, người dân khắp làng quê lối xóm ở những vùng trồng đậu như Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh và một số vùng ở Tam Kỳ lại nô nức gọi nhau thu hoạch đậu và đem đi ép dầu để sử dụng hoặc bán. Chỉ cần thấy hương dầu phộng nóng mới “ra lò” thoang thoảng bay trong gió, thì có thể lập tức biết được gần đó có cơ sở ép dầu lạc, dầu mè đang vào mùa ép dầu. Qua năm tháng, nghề ép dầu lạc cũng đã trở thành một nghề truyền thống giúp người dân nơi đây có thể vừa tạo ra thu nhập vừa giữ được đặc sản dầu đậu phộng của quê hương. 

Hạt đậu phộng sẻ: Nguyên liệu chính làm nên dầu phụng Quảng Nam

Sự tử tế với nghề của những người nông dân Quảng Nam

Cũng bởi vì thói quen sử dụng dầu đậu phộng mà xứ Quảng đã trở thành một vùng sản xuất nguyên liệu tại chỗ. Người nông dân nơi đây có thể nói là tự trồng đậu, tự thu hoạch rồi tự đem đậu đi ép. Để thu được một mẻ dầu đậu phộng ngon, đòi hỏi quy trình ép dầu phải kỹ lưỡng từ những khâu đầu tiên là khâu lựa chọn nguyên liệu. Hạt đậu sẻ được đem đi ép phải được sàng lọc để loại bỏ các hạt đậu bị hư hỏng, chỉ để lại những hạt đậu no tròn đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó quy trình ép dầu rất phức tạp, phải sàng lọc 3 lần, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao và một tình yêu với nghề thì mới có thể biến những hạt đậu thô thành dầu ăn. 

Đầu tiên, những người nông dân nơi đây sẽ thu hoạch đậu phộng  bằng tay ngoài đồng rồi sàng lọc những hạt đậu đạt chất lượng để đem phơi khô. Sau đó cho vào máy tuốt để bóc vỏ. Những ngày trước khi mà chưa áp dụng máy móc công nghệ, cứ đến tối các thành viên trong gia đình Quảng Nam sẽ quay quần với nhau để tuốt vỏ đậu. Cũng bởi vì đậu đẹp đi ép đã được tách vỏ và làm sạch nên có thể loại bỏ được những đất cát, bụi bẩn của hạt đậu thô mới có thể cho ra những mẻ dầu đậu phộng sánh vàng, trong suốt đến tay người dùng. 

Tiếp theo, đậu phộng sẽ được xay thành bột và mang đi hấp cách thủy trong vòng 3 giờ để tạo thành những bánh đậu. Do thời gian hấp đậu lâu nên để kịp ép đậu, hằng ngày những người nông dân địa phương phải dậy từ lúc tờ mờ sáng để xay đậu rồi cho đậu vào nồi hông. Trong quá trình hông đậu phải đảo đậu ít nhất 2 lần đến khi nào đậu có mùi thơm và ướt thì đậu đã chín.  

Bánh đậu sẽ xếp dọc vào các máy ép đậu hay còn gọi bằng từ ngữ quen thuộc là bộng dầu. Nhưng bộng dầu chỉ để chỉ những máy ép dầu truyền thống được làm bằng gỗ, ngày nay khi các máy móc đã được tân tiến hóa thì bộng dầu cũng được đổi sang một cái tên mới bộng sắt và được trang bị thêm một bộ phận ép bằng thủy lực. Từ đây quá trình ép đậu mới thực sự được diễn ra. Dầu đậu phộng thu được từ máy ép sẽ được lọc qua rây một lần nữa để loại bỏ các bụi bẩn, cặn. Ép xong người dân sẽ lấy bánh dầu ra khỏi máy và tận dụng làm thức ăn cho gia súc.

Cách hấp bánh đậu phộng ở Quảng Nam. Ảnh: Minh Ngọc – Minh Khang

Đặc sản làng quê…

Dầu đậu phộng nhìn vẻ bề ngoài, tuy không được trong suốt như những loại dầu ăn công nghiệp, dầu ăn tinh luyện trên thị trường, đôi lúc nếu làm không kỹ sẽ còn có cặn ở dưới đáy bình. Nhưng điểm đặc biệt làm nên cái ngon của dầu đậu phộng không nằm ở vẻ bề ngoài, mà nằm ở cái mùi đậu phộng nguyên bản vừa bùi, vừa béo, vừa thơm vẫn được giữ nguyên sau quá trình ép từ hạt đậu phộng của nó mà không có thêm bất kì mùi vị của một nguyên liệu nào khác. Cái mùi đậu phộng thơm nức nở mỗi khi đến mùa ép dầu, mùi đậu phộng thơm nồng hấp dẫn trong căn bếp tần tảo của những người bà, người mẹ mỗi khi khử hành, chiên cá hay đặc biệt là mùi hậu vị dầu đậu phộng thoang thoảng trong những tô mì Quảng mỗi khi trưa hè. Tất cả những hình ảnh ấy đã tạo nên cái hồn của dầu đậu phộng, cái hồn của những người dân xứ Quảng. Ở Quảng Nam, dầu đậu phộng không còn là một thứ gia vị, mà nó đã trở thành người bạn đồng hành trong bữa cơm của mọi nhà, lớn lên cùng đứa trẻ nơi đây, là đại diện của người dân ở một vùng miền.

Người bạn đồng hành tuyệt hảo cho những bữa ăn gia đình

Không phải tự nhiên mà người dân Quảng Nam ưa thích sử dụng dầu đậu phộng và gắn bó với nó suốt mấy trăm năm lịch sử. Vốn dĩ, ngày xưa Quảng Nam là một vùng đất nghèo khó, thiếu thốn đủ bề nên người dân nơi đây cũng phải lựa chọn những sản phẩm tận dụng được “cây nhà lá vườn” để tiết kiệm chi phí mà vừa no lâu. Và dầu đậu phộng vô tình đáp ứng được những mong muốn đó. Đậu phộng là một nguyên liệu có sẵn trong nhà của mọi người dân Quảng Nam và khi sử dụng sẽ cung cấp được một lượng calo khá cao nhưng đa phần là các chất béo không bão hòa nên đem lại cảm giác no lâu cho người dùng. Bên cạnh đó khi nấu hương vị của dầu đậu phộng sẽ nhẹ nhàng, thơm ngon, không dậy mùi béo và rất tốt cho sức khỏe. 

Khử dầu đậu phộng với hành, nén, ớt và nghệ để nấu nhưn mì Quảng. Ảnh: Phan Hằng

Dầu đậu phộng nấu gì cũng ngon, đặc biệt là món mì Quảng. Dầu đậu phộng khử lên và dùng để nấu nước dùng cho món mì Quảng sẽ tạo nên một hương vị đậm đà, đậm chất xứ Quảng. Nếu dùng dầu đậu phộng để chế biến các món ăn thông thường, sẽ cho ra thành phẩm có màu sắc và mùi vị đặc biệt hơn so với những loại dầu ăn khác trên thị trường. Khi dùng dầu đậu phộng để chiên, dầu sẽ ít bị hấp thu vào thức ăn nên có thể giảm bớt phần nào lượng chất béo nạp vào cơ thể so với việc sử dụng các loại dầu thực vật khác. Nếu dùng dầu đậu phộng để rán cá, mùi thơm của dầu đậu phộng sẽ có thể giúp khử mùi tanh của cá, cho ra màu vàng hơn. Đối với các món nướng, nếu quét một lớp dầu đậu phộng xung quanh món ăn rồi sẽ làm cho món nướng không bị khô và trông bắt mắt hơn. Đặc biệt hơn nữa, dầu đậu phộng có thể chế biến được món chay và món mặn mà không cần phải suy nghĩ việc mua thêm nguyên liệu cho mỗi lần chế biến món ăn. 

Dầu đậu phộng xứ Quảng nguyên chất được đánh giá là nguồn cung cấp năng lượng khá tốt cho người tiêu dùng. Sử dụng dầu đậu phộng lâu ngày sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe hệ tim mạch, chống ung thư, đặc biệt dầu đậu phộng nguyên chất sẽ không có cholesterol có thể giúp bạn bảo vệ thành mạch máu và giúp giảm được lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Việc sử dụng các loại dầu động vật quá nhiều sẽ làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể và gây ra các bệnh như béo phì và xơ vữa động mạch. 

Đằng sau mỗi giọt dầu đậu phộng nguyên chất được ép ra là thổ nhưỡng của vùng đất Quảng Nam thất thường mưa gió, là giọt mồ hồi, sự vất vả những ngày bán lưng cho trời bán mặt cho đất, là cái nắng rát da giữa trưa hè oi bức, tiếng cười khúc khích những lúc quây quần tách vỏ, là tuổi thơ những đứa trẻ ở nơi đây. 

Nguồn: Hapinut

Trả lời